Huyện Bến Lức, tỉnh Long An có vị trí hết sức đặc biệt, liền kề TP.HCM, là cửa ngõ phía Bắc của miền Tây Nam bộ và là khu vực trọng điểm liên kết với Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều nhà đầu tư nhận xét, Bến Lức chính là vị trí trung gian chuyển tiếp kinh tế, văn hóa giữa các tỉnh, thành miền Tây và TP.HCM. Theo quy hoạch, Bến Lức sẽ là đô thị vệ tinh của TP.HCM trong tương lai.
Trong năm vừa qua, thị trường bất động sản tại Bến Lức có nhiều sự thay đổi mạnh mẽ nhờ vào việc các nhà đầu tư biết tận dụng giá trị vị trí của huyện này đồng thời có sự thúc đẩy từ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư, xây dựng phù hợp.
Thực tế cho thấy, thời gian gần đây Long An tập trung nhiều nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển, kết nối giữa các tuyến theo trục dọc giữa TP.HCM và Long An được cải thiện rõ nét.
Cụ thể, Long An đã hoàn thành nhiều quy hoạch quan trọng cho giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030 như quy hoạch tổng thể phát triển giao thông, quy hoạch điểm đấu nối các tuyến Quốc lộ N1, N2, TP.HCM – Trung Lương để kết nối các tỉnh miền Tây, Cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được đẩy mạnh để kịp tiến độ kết nối sân bay Long Thành, tuyến đường trọng điểm Mai Bá Hương, Nguyễn Hữu Trí đang trong giai chuẩn bị mở rộng để kết nối TPHCM, làng đại học khu Tây dọc trục Nguyễn Văn Linh, Bệnh viện Chợ Rẫy 2 và Cụm y tế Tân Kiên (với 6 bệnh viện lớn như Bệnh viện nhi đồng TP.HCM, Bệnh viện Tai Mũi Họng, Bệnh viện Truyền máu Huyết học, Bệnh viện Ung bướu, Viện tim TP.HCM, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch).
Nhiều nhà đầu tư nhận xét, nếu như trước đây, bất động sản Bến Lức nói riêng, Long An nói chung chưa thể vươn tầm phát triển do vướng nút thắt hạ tầng, thì nay, chính quyền địa phương của tỉnh đã có nhiều quyết sách đúng đắn, thay đổi mạnh mẽ về hạ tầng giao thông cùng thông tin tích cực về quy hoạch sẽ mang tới một đòn bẩy tích cực để thị trường bất động sản nơi đây cất cánh.
Đặc biệt, những nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao vị trí của Bến Lức vì đây là nơi có thể kết nối rất tốt bằng đường bộ, đường hàng không (thông qua sân bay Long Thành), đường thủy (Cảng quốc tế Long An) nhưng quỹ đất còn rất rộng, giá đất còn rẻ so với những khu vực lân cận.
Thực tế cho thấy, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là tạo đà cho thị trường bất động sản, hiện tỉnh đã và đang xây dựng nhiều tuyến đường trọng điểm, giảm ùn tắc, tắc nghẽn tại các trục động lực kết nối TP.HCM - Long An. Các tuyến đường này có thể kể đến như trục động lực TP.HCM - Tiền Giang - Long An; Đường tỉnh 830 kết nối trục đường Đức Hòa - Bến Lức đi qua Cần Đước, Cần Giuộc (Tuyến đường này cũng kết nối hầu hết các khu đô thị trong tương lai); Đường vành đai TP. Tân An. Tất cả mở ra cho Long An cơ hội đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển các khu đô thị vệ tinh giúp TP.HCM giãn dân về phía Tây và Tây Nam.
Nhiều nhà đầu tư nhận xét, ngoài quỹ đất công nghiệp được quy hoạch lớn gồm trên 30 khu công nghiệp và 62 cụm công nghiệp, thì Long An là một trong số ít địa phương hiện còn nhiều quỹ đất sạch, cùng một thị trường tiềm năng khi nhu cầu sở hữu bất động sản đến từ các nhà đầu tư, người dân, khách hàng là người nước ngoài, chuyên gia hoặc đáp ứng nhu cầu giãn nở của TP.HCM.
Với những tiềm năng rộng lớn, ngoài những tên tuổi lớn trong giới bất động sản gồm Thịnh Phát, Him Lam,... thì nay, các nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Becamex IDC và Visip, Công ty CP Đầu tư Phát triển đô thị Ecoland, Thịnh Hưng Holdings... đã đăng ký và được UBND tỉnh Long An ghi nhận đầu tư vào huyện Bến Lức thuộc địa bàn các xã Lương Hòa, Lương Bình, Thạnh Hòa, Thạnh Lợi là nơi giáp ranh với TP.HCM để mở rộng qui mô kinh doanh của mình, như dự án nhà ở có Water Point, dự án đất nền đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho xây dựng khu dân cư có khu Lago Centro hay Việt Úc Varea gắn liền với thương hiệu cafe Ông Bầu và Quảng trường nhạc nước đầu tiên tại đây.
Tác giả bài viết: Gia Hân
Nguồn tin: Báo Long An Online